Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân

Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân

Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân
 Bộ Tài chính đã chuyển hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế để Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018.

Dự thảo mới chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung, trong đó có thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Hai phương án tính thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính đưa ra hai phương án mới tính thuế TNCN. Theo phương án 1, biểu thuế suất mới với số bậc tính thuế giảm từ bảy bậc xuống năm bậc. Theo phương án này, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay.

Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng /tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/ tháng; cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng…

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận nếu theo phương án 1, mặc dù đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn nhưng số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỉ đồng. Đồng thời có ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế này sẽ có lợi cho người giàu, cá nhân có thu nhập thấp không có lợi.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2. Theo đó bậc 1, tức 5 triệu đồng, tương ứng thuế 5%; bậc 2, tức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, áp mức thuế 10%; bậc 3 từ 10% đến 40%, áp thuế 20%; bậc 4 từ 40 triệu đến 80 triệu đồng, áp mức thuế 30% và bậc 5 trên 80 triệu đồng áp mức thuế 35%.

Phương án mới tính thuế thu nhập cá nhân - ảnh 1
Dư luận hiện nay chưa đồng tình với việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Với phương án này, theo Bộ Tài chính cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại nhưng mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn. Ví dụ nếu cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng. Cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng. Cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng…

Như vậy, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỉ đồng. Do vậy, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Nên tính theo một tỉ lệ phần trăm

Góp ý về các phương án trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng dự thảo giảm số bậc thuế từ bảy bậc xuống còn năm bậc làm cho chênh lệch phần thu nhập tính thuế rất lớn. Ví dụ bậc 4 từ 50-80 triệu đồng cùng chịu thuế suất 28% là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính nêu lý do giảm bậc thuế là để đơn giản trong kê khai, kiểm tra thu là chưa thuyết phục

Còn Bộ KH&ĐT dù đồng tình với sự điều chỉnh của bậc thuế nhưng lại đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của việc thay đổi biểu thuế, đảm bảo góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta.

Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cũng đề nghị trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao thì giảm thuế thu nhập cá nhân là giải pháp cần thiết và cấp bách. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, mở rộng đối tượng thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật hiện hành về việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, đơn vị này đề nghị giảm 50% số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân làm việc tại khu công nghệ cao; các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin…

 Nên mở rộng đối tượng được miễn giảm

Góp ý về hai phương án tính thuế mà Bộ Tài chính đưa ra, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, phân tích: Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ đến nhảy bậc, tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp,… là phiến diện, chưa chuẩn. Trong thực tế, nếu càng chia nhiều bậc, sự phân hóa càng chính xác, không bị nhảy bậc vô lý và có phần mềm tính toán thay cho người.

“Lạm phát của Việt Nam hằng năm là điều tất yếu nên khi tính thuế TNCN phải căn cứ vào đó để đảm bảo đời sống thực tế của người lao động không bị ảnh hưởng. Không nên quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng một con số tuyệt đối mà nên quy định theo tỉ lệ phần trăm, có thể dựa trên mức lương tối thiểu hoặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố chính thức của Chính phủ thì luật sẽ không bị lạc hậu” – ông Long đề nghị.

Thuế TNCN liên tục tăng

Theo số liệu của cơ quan chức năng, thuế thu nhập cá nhân nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỉ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 đồng và theo dự toán năm 2017 có thể vượt 80.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, để Luật Thuế TNCN có tính pháp lý bền vững, ổn định lâu dài, không bị lạc hậu, không phải thường xuyên điều chỉnh ngưỡng khởi điểm tính thuế khi lạm phát hằng năm của nền kinh tế nước ta luôn có sự biến động, không nên quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân bằng một số tiền tuyệt đối là 5 triệu đồng hoặc 10 triệu đồng. Việc quy định mức tiền tính thuế (ngưỡng khởi điểm tính thuế) nên tính theo một tỉ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu.

Về mức chiết trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc nên là bao gồm con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động và không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc. Có như vậy mới tạo ra sự đồng tình của xã hội đối Luật Thuế TNCN.

Về miễn giảm thuế TNCN, ngoài những đối tượng được miễn giảm như trong dự thảo, TS Long đề nghị cần miễn giảm thêm cho đối tượng đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn điều kiện để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn, khoa học…, đặc biệt những người từ 65 tuổi trở lên. Điều này sẽ động viên, khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho những người cao tuổi tiếp tục tham gia vào các hoạt động của xã hội như nhiều nước đã thực hiện.

Bác đề xuất đánh thuế tiền gửi ngân hàng

Có ý kiến đề xuất mở rộng cơ sở thuế bằng cách đánh thuế TNCN đối với lãi tiền gửi tiết kiệm đối với nhóm cá nhân có thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng lớn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng Luật Thuế TNCN hiện hành quy định miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng.

Việc miễn thuế TNCN nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng – là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật…) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để lĩnh lãi. Thực tế các năm qua, lãi tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ bù đắp đủ trượt giá.

“Qua theo dõi phản hồi từ báo chí, dư luận hiện nay cũng chưa đồng tình với việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng. Do vậy, đề nghị giữ như dự thảo luật” – Bộ Tài chính nêu quan điểm.

(TRÀ PHƯƠNG – http://plo.vn/)

Tài sản tham nhũng đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết

“Tài sản tham nhũng đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết”

VOV.VN -Theo ông Lê Như Tiến: “Tài sản do tham nhũng mà có đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết, đôi khi đó là biệt thự, những mảnh ở vị thế đắc địa…

Đối tượng tham nhũng luôn tinh vi, xảo trá

Theo báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất, tương đương khoảng 10%.

Một số vụ việc điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải thụ lý là 14.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 11.080 tỷ đồng tòa buộc sung công quỹ nhà nước nhưng mới chỉ thi hành xong phần án phí, còn tiền sung công quỹ nhà nước thi hành được khoảng 219 tỷ đồng, tiền bồi thường cho ngân hàng, tổ chức cá nhân thi hành được hơn 39 tỷ đồng. Trong vụ án tại Công ty cho thuê tài chính 2 tổng số tiền phải thu hồi gần 600 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thi hành được gần 30 tỷ đồng.

tai san tham nhung dau phai la cay kim soi chi ma khong biet hinh 1
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn trong thời gian qua do các đối tượng luôn tinh vi, xảo trá, chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình hoặc chuyển dịch tài sản ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau, biến tài sản phi pháp thành hợp pháp. Họ nhào nặn, biến hóa số liệu để hợp thức hóa mỗi khi thanh tra hoặc kiểm toán “hỏi thăm”.

Trong khi đó, quá trình tố tụng, xử lý tội phạm tham nhũng quá dài, đủ thời gian để các đối tượng tẩu tán, chuyển dịch tài sản dưới nhiều cách thức. Mới đây nhất như vụ việc Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng, khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì đối tượng đã bỏ trốn và tài sản cũng đã được tẩu tán từ nhiều tháng trước.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, trong tố tụng hình sự cần có một quy trình đầy đủ, nhưng trong một số trường hợp cần phải theo quy trình rút gọn, tức là xử lý việc phong tỏa tài sản trước rồi mới khởi tố, truy tố. Khi đó, đối tượng có thể chưa phải là bị can, bị cáo nhưng phải thực hiện những biện pháp ngăn chặn kịp thời như bị phong tỏa tài sản, cấm rời khỏi nơi cư trú…

“Thực tế thời gian qua cho thấy vì không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì bị can cũng đã cao chạy xa bay, tài sản lên tới hàng nghìn tỷ cũng đã kịp tẩu tán bằng nhiều cách thức. Đó là một sơ hở trong quá trình tố tụng. Vì vậy, cần phải cải tiến quy trình tố tụng, bên cạnh những quy trình đầy đủ, chặt chẽ, trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng cần có quy trình rút gọn, tăng cường những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng” – ông Lê Như Tiến cho biết.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phòng chống tham nhũng, từ hoàn thiện thể chế đến điều tra, tuy tố, xét xử. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh thể hiện tính răn đe, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, trong đó có nguyên nhân do pháp luật chưa có cơ chế thực sự hữu hiệu để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Trong khi đó, việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản lại không vấp phải sự kiểm soát từ phía cơ quan chức năng. Do đó, để ngăn ngừa tẩu tán tài sản đội lốt thủ tục hợp pháp như chuyển nhượng hay cho tặng, thừa kế, thì phải quy định rõ những tài sản không giải trình được nguồn gốc thì được coi là tài sản tham nhũng và phải bị thu hồi.

Mới xử lý người khai “man” tài sản về mặt hành chính, chức vụ

Lâu nay chúng ta vẫn trông chờ vào biện pháp kê khai tài sản của cán bộ công chức để kiểm tra, giám sát những biến động tài sản của đối tượng này nhưng cách này dường như không hiệu quả vì còn nặng tính hình thức. Trong khi việc kê khai còn phụ thuộc quá nhiều vào tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai.

Tổng Bí thư: Kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng

VOV.VN – Công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, hàng năm đều công khai số liệu cán bộ công chức kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn. Người bị phát hiện kê khai không đúng lại chưa bị xử lý về tài sản mà mới xử lý về mặt hành chính, chức vụ.

Trong khi đó, không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất thường, sở hữu khối tài sản “khủng”, biệt phủ, ô tô đắt tiền… lên tới hàng chục tỷ đồng thậm chí nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, công tâm, minh bạch. Những thông tin như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước nói chung mà còn ảnh hưởng tới nhiều cán bộ trong sạch, liêm khiết nói riêng.

Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, kê khai tài sản không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một biện pháp hữu hiệu để chứng minh cán bộ có trong sạch, liêm khiết hay không. Nhưng cán bộ kê khai rồi bỏ trong hộp tủ hoặc kê khai rồi để đó, khi phát sinh hay phát hiện vấn đề gì rồi mới đi thẩm tra xác minh thì không kịp thời, đúng lúc. Bởi thực tế đã xảy ra tình trạng cán bộ thực hiện việc kê khai, nhưng khi bị thanh tra, kiểm tra lại có khối tài sản lớn.

Do đó, làm thế nào sau khi kê khai, có bộ phận đánh giá, kiểm tra, thậm chí xác minh bản kê có đúng thực tế hay không, nếu thấy không thực tế thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe. Ngoài cán bộ thuộc diện phải kê khai cần quy định thêm người thân như vợ/chồng, con cái… phải được kiểm tra, giám sát sự biến động tài sản.

Phải niêm yết kê khai tài sản ở cơ quan và khu dân cư

Theo ông Vũ Quốc Hùng, bản kê khai tài sản cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần phải công khai, niêm yết ở cơ quan và khu dân cư để nhân dân được biết. Theo đó cũng cần cơ chế để nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu.

“Một nguyên tắc vô cùng quan trọng đó là dựa vào dân, phát huy dân chủ; công khai minh bạch, thậm chí hỏi dân đánh giá cán bộ… Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả, đặc biệt là di biến động của tài sản, thì tôi tin vấn đề kê khai tài sản sẽ đạt kết quả tốt hơn” – Vũ Quốc Hùng nêu rõ.

tai san tham nhung dau phai la cay kim soi chi ma khong biet hinh 3
Ông Vũ Quốc Hùng.

Cùng chung nhận định, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh việc thu hồi tài sản tham nhũng không phải là quá khó để không thể thực hiện được. “Tài sản do tham nhũng mà có đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết, đôi khi đó là biệt thự, những mảnh đất “vàng, đất “ngọc” ở vị thế đắc địa, hay ô tô nhiều tỷ đồng… tai mắt nhân dân đều biết hết và chúng ta có làm quyết liệt hay không thôi” – ông Lê Như Tiến nói và cho biết bên cạnh việc xử lý đối tượng tham nhũng thì phải đặt nội dung và giải pháp về việc thu hồi tài sản quyết liệt hơn.

“Bên cạnh việc sử dụng bộ máy công quyền, cần phát huy tai mắt của nhân dân ở nơi cư trú và nơi công tác cũng như các tổ chức chính trị – xã hội. Bởi nhân dân đều biết hết sự chuyển dịch tài sản cũng như giá trị gia tăng của tài sản cán bộ hàng năm như thế nào. Nếu cơ quan công quyền vào cuộc một cách quyết liệt bằng nhiều hình thức như phong tỏa tài khoản, xem diễn biến dịch chuyển tài sản hàng ngày cũng như gia tăng tài sản mỗi năm của cán bộ thì sẽ biết hết.

Tại sao hàng trăm tỷ đồng cổ phần của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa ở Điện Quang, hay Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát vì tham ô mấy nghìn tỷ đồng chúng ta đều biết được thì những vụ việc khác, nếu vào cuộc quyết liệt thì không có gì là quá khó khăn” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết thêm.

Qua một loạt vụ việc xử lý kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thời gian qua, đặc biệt là nhiều đại án kinh tế đã, đang và sẽ được xét xử có thể rút ra bài học đó là khi cả hệ thống chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và sự đồng thuận của nhân dân thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có kết quả rất lớn. Đúng như thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” – cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ một ai, không có chuyện “tắm từ vai trở xuống” như lâu nay nhiều người vẫn hoài nghi./.

(Theo http://vov.vn/)

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Nhiều điểm mới tác động đến DN

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Nhiều điểm mới tác động đến DN

VOV.VN – Theo Tổng Cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được sửa đổi về các quy định quản lý các loại thuế: Khai, thu, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế…

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thứ hai năm 2018) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 7 (kỳ họp thứ nhất năm 2019).

Theo Tổng Cục Thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được sửa đổi về các quy định quản lý các loại thuế (khai, thu, nộp, hoàn, miễn, giảm thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thanh tra, kiểm tra…), mối quan hệ giữa thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước (bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí). Văn bản này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.

du thao luat quan ly thue sua doi nhieu diem moi tac dong den dn  hinh 1

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như vấn đề chi phí thuế, quản lý thuế đối với thương mại điện tử và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Trong đó, vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đề xuất xem xét lại, đó là quy định về hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý và xem xét, sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế như: Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế năm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là 90 ngày kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính của doanh nghiệp; Thời hạn nộp thông tin, hồ sơ giao dịch liên kết sẽ là 180 ngày (hoặc 1 năm) kể từ sau thời hạn nộp Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Bà Phạm Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiến nghị, thời hạn một lần thanh tra thuế không nên quá 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế, cũng không vượt quá 30 ngày. Bởi trong thời gian 30 ngày, doanh nghiệp đã mất nhiều thời gian, nhân lực để hỗ trợ thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Bà Phạm Thu Trang nêu ý kiến: “Theo tình hình hiện nay chúng tôi nghĩ rằng nếu kéo dài thời hạn thanh tra thuế thì chưa phù hợp vì 30 ngày không phải là ít. Trên thực tế một đoàn thuế đi kiểm tra, đến doanh nghiệp 30 ngày thì họ cũng không ngồi hết ở doanh nghiệp 30 ngày đầy đủ, ngoài ra một đoàn thì cũng có thể thực hiện nhiều cuộc thanh tra cùng một lúc, nên chưa thể tận dụng hết đối với một đoàn thuế.

Bây giờ kéo dài thêm 45 ngày cũng làm cho tinh thần khẩn trương của cán bộ thuế kém đi. Thế nên vẫn nên giữ lại 30 ngày, chỉ trong tình huống đặc thù thì mới cần thêm thời gian”./.

(theo http://vov.vn)

Chính sách mới về tiền lương có hiệu lực từ 1-1-2018

(PLO)- Nhiều chính sách mới về tiền lương, thuế, lãi suất ngân hàng sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 1-2018.
 
Tăng lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng được áp dụng từ ngày 1-1-2018 như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV (quy định cũ quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng).
(Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực ngày 25-1-2018 quy định)
Lãi suất ngân hàng tính theo năm
Từ 1-1-2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày. Cho phép tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi.
Tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi trước khi thực hiện giao dịch. Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.
(Thông tư 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Miễn giảm tiền sử dụng đất
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất tại cơ quan thuế quản lý thu trực tiếp hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Trường hợp nộp hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thì việc luân chuyển cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế xác định và ban hành quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định hoặc thông báo không được miễn, giảm tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện theo quy định.
(Nghị định 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018).
Giá cước gửi hồ sơ thủ tục hành chính
Giá cước tối đa đối với dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết TTHC được quy định cho từng khu vực và tương ứng với khối lượng hồ sơ từ 100g – 500g.
Cụ thể, giá cước trong nội tỉnh từ 26.000 đồng – 30.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo, tính thêm 2.200 – 2.900 đồng.
Giá cước liên tỉnh từ 31.000 đồng – 51.000 đồng; mỗi 500g tiếp theo tính thêm 6.300 – 9.700 đồng; riêng giá cước nội vùng được quy định dao động từ 30.500 đồng – 32.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo tính thêm 3.600 đồng. Với dịch vụ chuyển trả kết quả, mức giá cước tối đa cũng tương đương với giá cước nhận gửi hồ sơ.
(Thông tư 22/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Giá cước dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước
Theo Thông tư số 23/2017/TT-BTTTT, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương (gọi là dịch vụ bưu chính KT1) bao gồm: Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1; Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn: Hỏa tốc, Hẹn giờ và mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật: A, B, C.
Trong đó, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính KT1 được quy định cho từng khu vực và tùy khối lượng. Nội tỉnh dao động từ 11.364 – 15.000 đồng; Giá cước liên tỉnh dao động từ 13.636 – 27.273 đồng. Riêng nội vùng, giá cước được tính từ 13.182 – 15.455 đồng.
Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn bằng mức giá cước đối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ khẩn tương ứng hẹn giờ là 18.182 đồng; Hỏa tốc là 40.000 đồng. Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) bằng mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ mật: Tuyệt mật (A) là 48.636 đồng; Tối mật (B) là 37.273 đồng; Mật (C) là 30.909 đồng.
(Thông tư 23/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương, có hiệu lực từ 1-1-2018).
Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động
Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
Riêng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài trong ít nhất 3 năm thì được mua thêm mức 200 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng sở hữu tối đa không quá 2.000 cổ phần. Trường hợp người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao được mua thêm mức 500 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần.
(Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).

(theo L.THANH – http://plo.vn)

Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và mong được khoan hồng

Theo Viện KSND tối cao, trong việc PVN góp vốn và mất trắng 800 tỉ đồng tại OceanBank, bị can Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện với tư cách là người đứng đầu PVN.
Ngày 28.12, Viện KSND tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 7 bị can về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Các bị can: Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN; Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thành viên HĐTV PVN; Phan Đình Đức, nguyên thành viên HĐTV PVN, bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 bộ luật Hình sự. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo điều 280 bộ luật Hình sự.
Ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm và mong được khoan hồng - ảnh 1
Ông Đinh La Thăng nhận sai
Theo cáo trạng, từ tháng 9.2008, thông qua giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, ông Đinh La Thăng gặp gỡ Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank. Sau đó, ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận PVN góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank.
Cáo trạng nêu rõ, bị can Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN, đã ký thỏa thuận hợp tác Số 6934 ngày 18.9.2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT OceanBank, nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp 800 tỉ đồng vào OceanBank. Đến ngày 1.1.2011, luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15%, mà tiếp tục ký quyết định giao bà Vũ Thị Thanh Hương, là người đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank, trái quy định, tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank.
Hậu quả, toàn bộ số 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Hành vi của ông Đinh La Thăng đã làm trái nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT, trái với chỉ đạo của Thủ tướng, dẫn đến PVN mất 800 tỉ đồng. Ông Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm đảm bảo toàn vốn của PVN.
Đáng chú ý, trong giai đoạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, bị can Đinh La Thăng khai báo thiếu thành khẩn, né trách nhiệm, hợp thức tài liệu không đúng bản chất sự thật, gây cản trở hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, Viện KSND tối cao nêu “bị can Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật’’.
Tiền tỉ đựng trong túi rượu
Theo cáo trạng, bị can Ninh Văn Quỳnh được bổ nhiệm kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN từ năm 2008 – tháng 2.2014 với nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê của PVN, tham mưu đề xuất giúp Tổng giám đốc giám sát tài chính tại PVN. Trong 3 lần HĐQT/HĐTV PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung góp vốn mua cổ phần của OceanBank giai đoạn năm 2008 – 2011, Ninh Văn Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo ban tài chính kế toán làm các thủ tục, tham mưu, đề xuất trình văn bản liên quan đến 3 lần góp vốn để Ban Tổng giám đốc PVN và HĐQT/HĐTV ký. Hành vi của bị can Ninh Văn Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng. Vì vậy, Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN là 800 tỉ đồng.
Từ tháng 3.2009 – 12.2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỉ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại OceanBank từ Nguyễn Xuân Sơn. Bị can Quỳnh khai nhận, khoảng 2 – 3 tháng Nguyễn Xuân Sơn gọi Quỳnh đến phòng làm việc hoặc kết hợp làm việc để đưa tiền, mỗi lần từ 1 – 2 tỉ đồng bằng tiền có mệnh giá 500.000 đồng, các khoản tiền này được đựng trong túi rượu hoặc hộp đựng áo sơ mi (trong hộp không có rượu hoặc áo mà chỉ đựng tiền). Khoản tiền chiếm đoạt này, Quỳnh sử dụng vào mục đích cá nhân như gửi tiết kiệm ở ngân hàng, mua chung cư ở TP.HCM, xe ô tô và cho 2 con đi du học ở Mỹ và Anh… Trong quá trình điều tra, gia đình ông Quỳnh đã nộp 20 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
(theo thanhnien.vn)
Truy tố Trịnh Xuân Thanh và em trai ông Đinh La Thăng về tội “tham ô tài sản”
Ngày 28.12, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí VN (PVP Land) và Công ty CP Minh Ngân. Viện KSND tối cao truy tố 8 bị can gồm: Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC); Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land; Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land; Đinh Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, là em trai ông Đinh La Thăng; Thái Kiều Hương, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan; Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty CP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa, kế toán trưởng Công ty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty CP Minh Ngân; và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, kinh doanh tự do, về tội “tham ô tài sản”.
Trong vụ án này, bị can Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới bán cổ phần, là tài sản của nhà nước thấp hơn mức giá thỏa thuận, tạo ra chênh lệch cổ phần trị giá 87 tỉ đồng (trong đó có tài sản của nhà nước). Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỉ, Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỉ… Mặc dù sau đó các bị can đã trả lại khoản tiền này nhưng các cơ quan tố tụng xác định hành vi phạm tội của các bị can đã hoàn thành nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lịch xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm

Ngày 8-1-2018, xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm

ANTD.VN – Sáng 27-12, TAND – TP Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8-1-2018 tới đây.

Theo đó, phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 14 ngày liên tiếp với thành phần HĐXX gồm 5 người và do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa phiên xử. Ba kiểm sát viên là Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (kiểm sát viên cao cấp) sẽ là những người thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Ngoài ra, VKSND TP Hà Nội còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết.

ảnh 1

Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh sắp hầu tòa

Trong vụ án này, có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 – BLHS năm 1999, gồm: Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN); Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.

Tiếp đến là Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN; Lê Đình Mậu – nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN; Vũ Hồng Chương – nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN; Trần Văn Nguyên – nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVN; Nguyễn Mạnh Tiến – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN; Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng PVN; Trương Quốc Dũng – nguyên Phó tổng Giám đốc PVN.

Có 8 bị cáo liên quan bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – BLHS năm 1999, gồm: Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó Tổng giám đốc PVN;  Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh văn phòng PVN – Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVN; Nguyễn Thành Quỳnh – nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty cổ phần miền Trung – Công ty cổ phần Đà Nẵng.

Tương tự các bị cáo còn lại Lê Thị Anh Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh) – nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Hoa; Nguyễn Đức Hưng – nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVN); Lê Xuân Khánh – nguyên Trưởng phòng Kinh tế – kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVN và Nguyễn Lý Hải – nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVN.

Riêng hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng Giám đốc PVC bị truy tố cùng lúc về cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

(Theo http://anninhthudo.vn)

Không nên phân biệt tuổi hưu nam – nữ

Không nên phân biệt tuổi hưu nam – nữ

22/12/2017 12:14

Một trong những nội dung rất đáng quan tâm mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đó là đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện nay

Dù đưa ra được nhiều lập luận về ích lợi nhưng ý tưởng tăng tuổi hưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) không dễ nhận được sự đồng thuận, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp.

Tăng tuổi hưu – chuyện hiển nhiên?

Theo nhận định của Bộ LĐ-TB-XH thì sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã phát triển mạnh mẽ: GDP bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức 5,5% trong thập kỷ 1990 và 6,4% trong thập kỷ 2000, và đến năm 2015 nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ước đạt 6,7%. Tuy nhiên quá trình này cũng mang lại những thách thức mới, cải cách hệ thống lương hưu trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu được cho là cấp thiết trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, quỹ bảo hiểm có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Quy định về tuổi nghỉ hưu của Việt Nam từ năm 1961 đến nay vẫn không thay đổi, trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, cùng với đó là điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) ngày càng được cải thiện. Trên thực tế rất nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc; hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ; hoặc làm cho một tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện Y học Lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam, cho thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc. Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu thì sẽ có khoảng 48.000 người lao động tiếp tục làm việc.

Nam – nữ nên nghỉ hưu bằng tuổi nhau?

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trước đây người ta quan niệm phụ nữ cần có sự ưu tiên đặc biệt vì họ phải gánh trách nhiệm đối với gia đình và thể chất của họ yếu hơn so với nam giới. Chính sách nghỉ hưu sớm được cho là sự ưu ái cũng như là sự bù đắp cho những gánh nặng của phụ nữ với vai trò là người lao động, người chăm sóc gia đình và xã hội. Song quy định này không còn phù hợp trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi.

Không nên phân biệt tuổi hưu nam - nữ - Ảnh 1.

Người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại Bưu điện trung tâm Bình Chánh, TP HCM

Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới tới 6 tuổi trong khi phụ nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi. Các quy định về tuổi nghỉ hưu sớm của phụ nữ so với nam giới theo luật hiện hành có thể dẫn đến nhiều hình thức phân biệt đối xử về phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và khả năng tích lũy lương hưu sau này. Hơn nữa, 5 năm nghỉ hưu sớm hơn của phụ nữ so với nam giới trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới, sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương hưu.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Đào Quang Vinh – Viện Trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, nếu áp dụng phương án mới, chúng ta sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Điều này sẽ có tác dụng làm chậm quá trình thâm hụt quỹ. Đồng thời kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết được một bước vấn đề bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây được xem là giải pháp điều chỉnh dần dần, nhằm hạn chế các tác động kinh tế, chính trị và xã hội nói chung cũng như giảm các ảnh hưởng đối với nhóm NLĐ sắp nghỉ hưu, những người sẽ chịu tác động ngay khi chính sách có hiệu lực.

Về quy định từ ngày 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi, ông Đào Quang Vinh cho rằng việc điều chỉnh tuổi, nhiều nước trên thế giới đã làm và nước nào cũng phải làm trong thời gian dài chứ không thể làm nhanh. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng trong thời gian dài để cảm nhận của người tham gia không sốc, không gây biến động lớn.

Ông Đào Quang Vinh cũng đưa ra một quan điểm mới: “Về mục đích của việc tăng tuổi hưu nam và nữ, một mặt để tiệm cận, gần nhau, hướng đến việc nam – nữ có thể nghỉ hưu bằng nhau. Việc này rất đúng vì thế giới cũng làm tương tự thế, không phân biệt đối xử. Nếu ta để tuổi hưu như cũ thì sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm, thăng tiến… của phụ nữ và họ bị hạn chế rất nhiều. Thời gian 5 năm là rất dài. Nếu cố gắng tăng lên thì thời gian phải đủ vì khoảng cách 5 năm thu hẹp, nữ phải tăng nhanh hơn nam”. Cũng theo ông Vinh, với việc tăng 6 tháng/năm với nam là hợp lý, nữ nên tăng khoảng 3 tháng/năm. Thời gian kéo dài cũng không đáng lo, 15 hay 20 năm không phải là vấn đề lớn, quan trọng là để không cảm nhận độ sốc.

Ông Vinh cũng ủng hộ việc nam – nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau. Nguyên nhân cốt lõi là tuổi thọ phụ nữ còn cao hơn nam, họ đóng góp để hưởng lương hưu, tuổi lao động của nữ không kém gì nam giới. “Suy nghĩ cho phụ nữ nghỉ sớm và cho là ưu tiên thực ra chỉ nghĩ một chiều, chiều còn lại phụ nữ không có cơ hội làm việc, cống hiến. Trong các quy định về tiêu chuẩn lao động quốc tế về phân biệt đối xử, để khác nhau như thế là vẫn phân biệt đối xử” – ông Vinh chia sẻ.

Hai Phương án về tuổi hưu của Bộ LĐTBXH

Phương án 1: Giữ nguyên cách tính hiện nay.

Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Từ 1.1.2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án này, sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Điều này sẽ có tác dụng làm chậm quá trình thâm hụt quỹ. Đồng thời kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết được một bước vấn đề bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây được xem là giải pháp điều chỉnh dần dần, nhằm hạn chế các tác động kinh tế, chính trị và xã hội nói chung cũng như giảm các ảnh hưởng đối với nhóm người lao động sắp nghỉ hưu, những người sẽ chịu tác động ngay khi chính sách có hiệu lực.

(theo Báo Người Lao Động)

Quy định rõ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi (Bộ luật Lao động 2019)

Bộ luật Lao động 2019: Quy định rõ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Toàn văn Dự thảo Bộ luật Lao động 2019
Bộ Luật Lao động 2019

Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ quy định cụ thể hơn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định rõ hơn về nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ hằng năm, thời giờ làm việc tiêu chuẩn…

Việc quy định này nhằm đảm bảo tính logic, và tính khả thi trên thực tế, phù hợp với thực tiễn.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi (sau đây gọi gọn là Bộ luật Lao động 2019) là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án Bộ luật Lao động 2019 vào kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV.

(theo Thư viện pháp luật)